Điều 56. Yêu cầu chung về quản lý chất thải rắn

Việc phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường và một số quy định cụ thể sau:

1. Sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn phải được quản lý để giảm khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường theo tiêu chí của kinh tế tuần hoàn quy định tại Điều 138 Nghị định này.

2. Giảm thiểu chất thải rắn phát sinh thông qua việc áp dụng các giải pháp tăng hiệu quả sản xuất hoặc hiệu quả sử dụng sản phẩm.

3. Việc sử dụng sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng phải theo nguyên tắc tận dụng tối đa giá trị của sản phẩm thải bỏ, chất thải rắn thông qua việc áp dụng các giải pháp theo thứ tự ưu tiên sau:

a) Tái sử dụng sản phẩm thải bỏ;

b) Sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì hoặc nâng cấp sản phẩm bị lỗi, sản phẩm cũ để kéo dài thời gian sử dụng;

c) Tận dụng thành phần, linh kiện của sản phẩm thải bỏ;

d) Tái chế chất thải rắn để thu hồi nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất theo quy định của pháp luật;

đ) Xử lý chất thải rắn kết hợp thu hồi năng lượng theo quy định của pháp luật;

e) Chôn lấp chất thải rắn theo quy định của pháp luật.

4. Khuyến khích áp dụng giải pháp chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số để thúc đẩy giảm thiểu phát sinh, tái sử dụng, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn.

5. Việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn phát sinh từ hoạt động của khu phi thuế quan, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất vào nội địa được thực hiện theo quy định của Nghị định này về thu gom, vận chuyển chất thải ngoài khu phi thuế quan, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất.

Last updated