Điều 168. Điều khoản chuyển tiếp

1. Hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đã được tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được giải quyết theo quy định của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Nghị định này.

Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Nghị định này, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường có trách nhiệm kế thừa kết quả đã thực hiện trong quá trình xem xét hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy phép xả nước thải vào nguồn nước của cơ quan có thẩm quyền để thẩm định, cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân được hoàn trả hoặc được khấu trừ số tiền phí thẩm định đề án xả nước thải vào nguồn nước đã nộp vào phí thẩm định, cấp giấy phép môi trường phải nộp theo quy định của pháp luật.

2. Hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đã được tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được giải quyết theo quy định của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Nghị định này.

Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Nghị định này, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường có trách nhiệm kế thừa kết quả đã thực hiện trong quá trình xem xét hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi của cơ quan có thẩm quyền để thẩm định, cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân được hoàn trả hoặc được khấu trừ số tiền phí thẩm định đề án xả nước thải vào công trình thủy lợi đã nộp vào phí thẩm định, cấp giấy phép môi trường phải nộp theo quy định của pháp luật.

3. Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép xử lý chất thải nguy hại đã được tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện một số quy định chuyển tiếp như sau:

a) Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Nghị định này, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kế thừa kết quả đã thực hiện trong quá trình kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công trình bảo vệ môi trường, đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trong xử lý chất thải nguy hại để thẩm định, cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân được hoàn trả hoặc được khấu trừ số tiền phí đã nộp vào phí thẩm định, cấp giấy phép môi trường phải nộp theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp tổ chức, cá nhân không đề nghị thực hiện theo quy định tại Nghị định này, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tiếp tục kiểm tra, cấp, cấp lại giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận.

4. Hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường đã được tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được giải quyết theo quy định của Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.

5. Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện quy định chuyển tiếp như sau:

a) Trường hợp chiến lược, quy hoạch không thuộc đối tượng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này hoặc không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này, cơ quan đã tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tiếp tục thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận. Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược là căn cứ để cấp có thẩm quyền phê duyệt chiến lược, quy hoạch theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận;

b) Trường hợp chiến lược, quy hoạch thuộc đối tượng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch có văn bản đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, trong thời hạn thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận, cơ quan đã tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm ban hành văn bản có ý kiến về nội dung đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch gửi cơ quan chủ trì thẩm định quy hoạch hoặc cơ quan phê duyệt chiến lược theo quy định tại Điều 26 Luật Bảo vệ môi trường.

6. Hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản được tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện một số quy định chuyển tiếp như sau:

a) Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Nghị định này, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kế thừa kết quả đã thực hiện trong quá trình thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường để thẩm định, cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân được hoàn trả hoặc được khấu trừ số tiền phí đã nộp vào phí thẩm định, cấp giấy phép môi trường phải nộp theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp tổ chức, cá nhân không đề nghị thực hiện theo quy định tại Nghị định này, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tiếp tục thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận; quyết định phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường là văn bản tương đương với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định tại Nghị định này.

7. Hồ sơ đề nghị chấp thuận về môi trường, đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

8. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư đã nộp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng chưa được thẩm định hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện một số quy định chuyển tiếp như sau:

a) Trường hợp dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường nhưng phải có giấy phép môi trường theo quy định của Nghị định này thì cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận hồ sơ tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định và lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường như đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường;

b) Trường hợp dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường nhưng phải có giấy phép môi trường theo quy định của Nghị định này và tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Nghị định này, cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kế thừa kết quả đã thực hiện trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường để thẩm định, cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân được hoàn trả hoặc được khấu trừ số tiền phí đã nộp vào phí thẩm định, cấp giấy phép môi trường phải nộp theo quy định của pháp luật;

c) Trường hợp quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày thông báo kết quả thẩm định, tổ chức, cá nhân không nộp lại hồ sơ đề nghị phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thì phải thực hiện theo quy định tại Điều 34 Luật Bảo vệ môi trường.

9. Dự án đầu tư thuộc nhóm I quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này đã được cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành với kết quả thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung hoặc đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trong thời gian 24 tháng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì không phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

10. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo dõi, giám sát hoạt động xả nước thải của tổ chức, cá nhân, việc chấp hành Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đã được cấp trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành cho đến khi hết thời hạn của giấy phép.

Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát hoạt động xả nước thải của tổ chức, cá nhân, việc chấp hành Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi với lưu lượng nước thải từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên cho đến khi hết thời hạn của giấy phép; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo dõi, giám sát hoạt động xả nước thải của tổ chức, cá nhân, việc chấp hành Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi với lưu lượng dưới 3.000 m3/ngày đêm cho đến khi hết thời hạn của giấy phép.

Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gửi Báo cáo định kỳ hàng năm đối với hoạt động xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi về Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường.

Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, cơ quan quản lý Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi có trách nhiệm bàn giao Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi cho cơ quan có thẩm quyền theo dõi, giám sát hoạt động xả nước thải của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị định này.

11. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các quy định liên quan đến phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường nơi tiếp nhận nguồn thải, phân vùng xả thải, hạn ngạch xả thải, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và các quy định của pháp luật khác có liên quan, chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất tiếp tục thực hiện nội dung giấy phép môi trường đã được cấp. Việc cấp, cấp điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường của dự án đầu tư, cơ sở thực hiện theo lộ trình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định khi ban hành các quy định nêu trên.

12. Trường hợp một trong các giấy phép môi trường thành phần của cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hết hạn, chủ cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Nghị định này.

13. Trường hợp các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận nhưng chưa bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường, trong thời gian 36 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thu hồi bằng công nhận theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 04 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

14. Dự án đầu tư đã triển khai xây dựng nhưng chưa đi vào vận hành (vận hành thử nghiệm trong trường hợp có công trình xử lý chất thải phải vận hành thử nghiệm hoặc vận hành chính thức trong trường hợp không có công trình xử lý chất thải phải vận hành thử nghiệm) và các cơ sở đang hoạt động mà chưa có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thì bị xử phạt theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trường hợp dự án đầu tư, cơ sở phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường, chủ dự án đầu tư, cơ sở phải thực hiện như sau:

a) Đối với dự án đầu tư đang triển khai xây dựng có tiêu chí về môi trường tương đương với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này, chủ dự án đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án đầu tư có hoạt động rà soát, cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định trong thời hạn khắc phục hậu quả vi phạm theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền;

b) Đối với dự án đầu tư chưa đi vào vận hành có tiêu chí về môi trường tương đương với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và phải cấp giấy phép môi trường, chủ dự án đầu tư, cơ sở phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án đầu tư có hoạt động rà soát, cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định trong thời hạn khắc phục hậu quả vi phạm theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền và thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư đó;

c) Đối với cơ sở đang hoạt động có tiêu chí về môi trường tương đương với đối tượng phải cấp giấy phép môi trường và phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng không có một trong các hồ sơ này, chủ cơ sở phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư có hoạt động rà soát, cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường trong thời hạn khắc phục hậu quả vi phạm theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền như đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định này;

d) Đối với cơ sở đang hoạt động có tiêu chí về môi trường tương đương với đối tượng phải cấp giấy phép môi trường và không phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng không có giấy phép môi trường, chủ cơ sở phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường cho cơ sở trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường trong thời hạn khắc phục hậu quả vi phạm theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền như đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định này, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường.

15. Các dự án đầu tư đã triển khai xây dựng nhưng chưa đi vào vận hành hoặc các cơ sở đang hoạt động mà chưa có xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc các hồ sơ về môi trường tương đương theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì thực hiện như sau:

a) Đối với dự án đầu tư, cơ sở có tiêu chí về môi trường tương đương với đối tượng phải cấp giấy phép môi trường, thì bị xử phạt theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trường hợp dự án đầu tư, cơ sở phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường, chủ dự án đầu tư, cơ sở phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư có hoạt động rà soát, cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường trong thời hạn khắc phục hậu quả vi phạm theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền như đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định này;

b) Đối với dự án đầu tư, cơ sở có tiêu chí về môi trường tương đương với đối tượng phải đăng ký môi trường, chủ dự án đầu tư, cơ sở phải thực hiện đăng ký môi trường theo quy định tại khoản 6 Điều 48 Luật Bảo vệ môi trường.

16. Các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp kết hợp sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục chuyển giao và tiếp nhận nước thải để xử lý.

17. Quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và chiến lược đã trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật ở thời điểm trình thẩm định quy hoạch, phê duyệt chiến lược.

18. Tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường thành phần là giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã hết hạn hoặc còn hiệu lực dưới 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được kéo dài thời hạn hiệu lực của giấy phép môi trường thành phần này đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022, trừ trường hợp cơ sở sản xuất trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu của tổ chức, cá nhân đã giải thể, phá sản hoặc trường hợp cơ sở bị xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng chưa chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa hoàn thành việc khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm ban hành văn bản thông báo danh sách tổ chức, cá nhân được kéo dài thời hạn có hiệu lực của giấy phép môi trường thành phần quy định tại khoản này, trong đó xác định rõ thời gian kéo dài, chủng loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu dựa trên các căn cứ sau đây: chủng loại phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phải phù hợp với giấy phép môi trường thành phần và Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành; khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất được xác định cụ thể theo số tháng còn lại nhưng không quá 12 tháng của thời gian kéo dài giấy phép môi trường thành phần đã được cấp. Văn bản thông báo nêu trên phải được gửi cho tổ chức, cá nhân để biết; đồng thời gửi tới Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương nơi có cơ sở sử dụng trực tiếp phế liệu nhập khẩu và Tổng cục Hải quan để giám sát việc thực hiện.

Tổ chức, cá nhân được kéo dài giấy phép môi trường thành phần theo quy định tại khoản này có các trách nhiệm sau đây:

a) Bảo đảm cơ sở sản xuất trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất của mình đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại Điều 45 Nghị định này;

b) Sau thời gian kéo dài hiệu lực của giấy phép môi trường thành phần, tổ chức, cá nhân phải có giấy phép môi trường theo quy định của Nghị định này.

19. Tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép môi trường thành phần là giấy phép xử lý chất thải nguy hại đã hết hạn hoặc còn hiệu lực dưới 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được kéo dài thời hạn hiệu lực của giấy phép môi trường thành phần đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022, trừ trường hợp cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại của tổ chức, cá nhân đã giải thể, phá sản hoặc trường hợp cơ sở bị xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng chưa chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa khắc phục xong hậu quả vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm ban hành văn bản thông báo danh sách tổ chức, cá nhân được kéo dài thời hạn có hiệu lực của giấy phép môi trường thành phần quy định tại khoản này, trong đó xác định rõ thời gian kéo dài, mã, khối lượng chất thải nguy hại được phép thu gom, xử lý dựa trên các căn cứ sau đây: mã chất thải nguy hại phải phù hợp với giấy phép môi trường thành phần; khối lượng chất thải nguy hại được xác định cụ thể theo số tháng còn lại nhưng không quá 12 tháng của thời gian kéo dài giấy phép môi trường thành phần đã được cấp. Văn bản thông báo nêu trên phải được gửi cho tổ chức, cá nhân để biết; đồng thời gửi tới Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương nơi có cơ sở xử lý chất thải nguy hại để giám sát việc thực hiện.

Tổ chức, cá nhân được kéo dài giấy phép môi trường thành phần theo quy định tại khoản này có các trách nhiệm sau đây:

a) Bảo đảm cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại của mình đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 3 Điều 84 Luật Bảo vệ môi trường;

b) Thực hiện các trách nhiệm quy định tại Điều 85 Luật Bảo vệ môi trường và quy định tại Nghị định này;

c) Sau thời gian kéo dài giấy phép môi trường thành phần, tổ chức, cá nhân phải có giấy phép môi trường theo quy định của Nghị định này.

Last updated